Nhiều áp lực trong kiểm soát lạm phát năm 2022

Tính đến 25/11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 10,1% so với cuối năm 2020. Với dư địa chính sách tiền tệ, việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, nguy cơ rủi ro lạm phát là không thể chủ quan.

Tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1%

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 25/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm chưa đầy một tháng trước (29/10) mới chỉ đạt 8,72%. Hay tại khoảng thời gian nền kinh tế ngưng trệ vì đại dịch hồi giữa năm, tăng trưởng tín dụng mới chỉ loanh quanh 7%.

Dù tín dụng tăng nhanh nhưng bà Hằng cho biết, cơ cấu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước hướng tới các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Tính đến ngày 25/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020 (Ảnh minh họa: KT)

Hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với cuối năm 2020. Trong đó, lãi suất huy động giảm 0,4% và lãi suất cho vay giảm 0,7%. Tính lũy kế từ 23/1/2020 đến nay, đã có khoảng hơn 1 triệu khách hàng được tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất thấp với dư nợ đạt trên 7 triệu tỷ đồng.

Đồng thời, theo bà Bùi Thúy Hằng, ngành Ngân hàng cũng thực hiện nhiều giải pháp góp phần khôi phục và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Cụ thể, đến ngày 25/10, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 250.000 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,5 triệu tỷ đồng.

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, hiện số dư tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Ngân hàng Nhà nước khoảng 672,01 tỷ đồng.

Về tình hình lãi suất, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, sau khi giảm 3 lần lãi suất điều hành với mức giảm 1,5 - 2%/năm trong năm 2020 và là một trong những ngân hàng trung ương giảm lãi suất mạnh nhất khu vực trong năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp.

“NHNN cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay sau khi giảm 1%/năm trong năm 2020, đã giảm thêm 0,7%/năm trong 9 tháng đầu năm 2021”, bà Bùi Thúy Hằng cho biết.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm); lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,6 - 9,5%/năm.

Nguy cơ rủi ro lạm phát

Theo bà Bùi Thúy Hằng, với dư địa chính sách tiền tệ, việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% là có thể đạt được, tuy nhiên, năm 2022, nguy cơ rủi ro lạm phát là không thể chủ quan.

“Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/tổng sản phẩm nội địa là 200% nên chịu áp lực rủi ro của lạm phát nhập khẩu”, bà Hằng nói.

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước

Bên cạnh đó, việc kiểm soát lạm phát đối mặt với nhiều áp lực kết hợp từ cả yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy như: xu hướng tăng của giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới; khả năng phục hồi của giá thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc và gia cầm tươi sống trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục ở mức cao; chuỗi cung ứng trong nước và thế giới phục hồi chậm so với tốc độ tăng của tổng cầu khiến giá cả hàng hóa tăng nhanh; kinh tế nếu phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, với quan điểm, chủ trương luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế, đồng thời theo dõi sát diễn biến vĩ mô, giá cả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ các tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán trong nền kinh tế; quyết liệt công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu… ./.

Link nội dung: https://biztoday.vn/nhieu-ap-luc-trong-kiem-soat-lam-phat-nam-2022-216069.html