Lợi nhuận ngân hàng: “Đầu xuôi, đuôi có lọt?”

14/05/2021 09:25

Ngành ngân hàng Việt Nam có vẻ đã khá thích nghi với đại dịch Covid-19 bởi lợi nhuận của hầu hết ngân hàng trong quý đầu năm 2021 đều “rủng rỉnh” so với quý đầu tiên có sự xuất hiện của đại dịch.

Theo dữ liệu thống kê của Vietstock, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng đã công bố BCTC quý 1 đạt 52,372 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng năm trước. Con số này cũng khả quan hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7% của các ngân hàng trong quý đầu năm 2020.

Nguồn: VietstockFinance

Thu nhập lãi thuần và chi phí dự phòng “phối hợp ăn ý”

Ngoại trừ 2 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận quý 1 đi lùi so với cùng kỳ năm trước, còn lại 25 ngân hàng đều có lợi nhuận tăng trưởng.

Nguồn: VietstockFinance

Đáng chú ý, với thu nhập lãi thuần gấp 3 lần và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 51%, Kienlongbank (KLB) là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhất , gấp 12.3 lần cùng kỳ năm trước, đạt gần 703 tỷ đồng.

Theo giải trình của bà Trần Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Kienlongbank tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng cao là do trong quý 1/2021, Ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) theo Phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Như vậy, so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho năm 2021 là 1,000 tỷ đồng, Kienlongbank đã thực hiện được 70% kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ sau quý đầu tiên.

Nguồn: VietstockFinance

Ở một khía cạnh khác, dù thu nhập lãi thuần âm 105 tỷ đồng, nhưng nhờ hoàn nhập 379 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, SCB báo lãi trước thuế đạt 320 tỷ đồng, gấp 8.23 lần cùng kỳ năm trước và nghiễm nhiên giữ vị trí á quân về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Trong khi đó, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 2.6 lần, MSB vẫn ghi nhận 1,147 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, và xếp vị trí thứ 3 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhất, gấp 4 lần cùng kỳ, nhờ thu nhập lãi thuần tăng 59%.

Ở chiều ngược lại, trong 2 ngân hàng có lợi nhuận đi lùi thì Eximbank là ngân hàng có lợi nhuận giảm mạnh nhất, tương đương 53%. Theo đó, lợi nhuận của nhà băng này chỉ còn hơn 214 tỷ đồng trong quý 1/2021 chủ yếu do phải trích lập gần 319 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ hoàn nhập hơn 35 tỷ đồng dự phòng.

Vietbank là ngân hàng còn lại có lợi nhuận giảm 46% trong quý 1/2021, còn hơn 124 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế dù trong kỳ được hoàn nhập 3 tỷ đồng chi phí dự phòng. Do đó, nguyên nhân chính khiến nhà băng này giảm lãi là vì hoạt động chính đi lùi với thu nhập lãi thuần giảm 14% so với cùng kỳ.

Vietcombank tiếp tục dẫn đầu lợi nhuận quý đầu năm

Như trật tự đã thiết lập trong năm 2020, BIDV tiếp tục vắng mặt trong top 5 ngân hàng có lãi cao nhất quý đầu tiên của năm 2021.

Nguồn: VietstockFinance

Vietcombank (VCB) vẫn giữ được vị thế “anh cả” của mình với 8,631 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. VietinBank (CTG) giữ vị trí thứ 2 khi báo 8,060 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 2.7 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ giảm mạnh đến 69% chi phí dự phòng.

Còn Techcombank xếp vị trí thứ 3 với 5,518 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 77% so với cùng kỳ. Trong đó, ngân hàng có thu nhập lãi thuần tăng 45% và chi phí dự phòng tăng 10%.

Lọt khỏi top 3, BIDV có lãi tăng 87%, đạt 3,396 tỷ đồng với thu nhập lãi thuần tăng 18% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 19%.

Hai ngân hàng có lợi nhuận trước thuế vượt mặt BIDV là MBB và VPB, lần lượt ghi nhận 4,580 tỷ đồng và 4,006 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Lợi nhuận ngân hàng: “Đầu xuôi, đuôi có lọt?”" tại chuyên mục TIN TỨC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#