Điều gì ẩn sau con số lạm phát toàn phần ở Nhật?

23/11/2021 08:47

Mặc dù lạm phát ở Nhật Bản ít 'kịch tính' hơn nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới, chi phí năng lượng tăng đang trở thành một vấn đề nan giải.

Khi mùa đông ập đến, người dân và doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu cảm nhận được tác động của tình trạng giá năng lượng tăng cao đang siết chặt ngân sách trên toàn cầu.

Tỉ lệ lạm phát chính thức của Nhật Bản có vẻ khiêm tốn theo tiêu chuẩn toàn cầu. Nhưng ẩn sau con số lạm phát toàn phần là những đợt tăng giá chóng mặt ở một số mặt hàng chủ chốt, trong đó có năng lượng.

Giá xăng tăng vọt lên mức đỉnh 7 năm trong tháng 11 này, và Chính phủ Nhật tiếp tục dự báo nguồn cung điện eo hẹp nhất trong một thập kỷ vào mùa đông năm nay. Giá dầu đang đẩy chi phí sản xuất điện lên cao khi kiểu thời tiết La Nina khiến nhiệt độ lạnh hơn bình thường ở Bắc Á.

Chi phí năng lượng cao hơn khiến giá tiêu dùng tháng 10 ở Nhật Bản tăng tháng thứ hai liên tiếp. Giá tiêu dùng, không bao gồm thực phẩm tươi sống, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết. Kết quả này phù hợp với dự báo trung bình từ các nhà phân tích.

Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu như vận tải và sản xuất kim loại bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng tác động của tình trạng giá năng lượng tăng có thể được cảm nhận trên toàn quốc.

“Rõ ràng là lạm phát hơn nữa sẽ không phải là tin tức đáng hoan nghênh”, Yoshiki Shinke, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, cho biết.

Với tốc độ tăng lương trì trệ, “việc tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu hàng ngày sẽ là một trở ngại cho chi tiêu của người tiêu dùng”.

Sự phục hồi kinh tế của quốc gia sau đại dịch tương đối chậm, khiến Nhật Bản đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những gánh nặng bổ sung như chi phí nhiên liệu tăng cao hơn.

Sự phụ thuộc của Nhật Bản vào nhập khẩu nhiên liệu cũng “tương đối cao hơn” so với các quốc gia phát triển khác, nhà kinh tế chính của IHS Markit, Harumi Taguchi, cho biết.

Với nỗ lực nhằm giảm nhẹ đòn giáng này, Thủ tướng Fumio Kishida hôm 19/11 đã đưa ra một gói kích thích kinh tế bao gồm các biện pháp đối phó để giảm bớt gánh nặng do nhiên liệu đắt đỏ hơn.

Theo đó, các ngành như ngư nghiệp và vận tải hàng hóa sẽ nhận được hỗ trợ. Các nhà máy lọc dầu cũng sẽ nhận được trợ cấp. Những hỗ trợ này là một phần của gói kinh tế đầu tiên nhằm ngăn chặn cú sốc giá tác động đến người tiêu dùng.

Quy mô tổng thể của gói sẽ đạt tổng cộng khoảng 690 tỷ USD, theo bản dự thảo kế hoạch mà Bloomberg tiếp cận được.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố sẽ hỗ trợ các ngành như ngư nghiệp và vận tải hàng hóa đối phó với tình trạng giá nhiên liệu cao hơn, như một phần của gói kích thích kinh tế đầu tiên. Ảnh: Tokyo Review

Chính phủ cũng đã mở rộng khả năng tiếp cận các khoản vay khẩn cấp cho các doanh nghiệp nhỏ hơn và thiết lập một đường dây nóng thông tin.

Thủ tướng Kishida cho biết, Chính phủ của ông đang xem xét việc giải phóng một lượng dầu dự trữ chiến lược với sự hợp tác của các quốc gia như Mỹ, một động thái có thể giúp kiềm chế giá dầu.

Ngoài Nhật Bản, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vận động các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc giải phóng một phần dự trữ dầu.

Trung Quốc có thể đang nỗ lực giải phóng dầu thô từ kho dự trữ nhà nước thông qua các cuộc đấu giá, S&P Global Platts dẫn các nguồn tin trong ngành dầu mỏ cho biết hôm 18/11.

Động thái có khả năng xảy ra này báo hiệu rằng, Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực trong nước để đảm bảo nguồn cung nội địa dồi dào và chống lại lạm phát vào thời điểm giá năng lượng toàn cầu đang tăng vọt.

Bạn đang đọc bài viết "Điều gì ẩn sau con số lạm phát toàn phần ở Nhật?" tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0931318385hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@biztoday.vn).  
#